Tìm kiếm Blog này

2012-02-22

THI VẼ VÀ TRIỂN LÃM TRANH THIẾU NHI QUỐC TẾ

   Ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều có hoạt động thi vẽ và triển lãm tranh thiếu nhi, nhằm phát triển giáo dục và văn hóa. Ngoài việc tổ chức thi ở các quy mô lớn nhỏ trong nước thì một số quốc gia còn tổ chức thi trên phạm vi quốc tế hay khu vực. Cũng có cuộc triển lãm chỉ nhằm giao lưu văn hóa mà không có chấm thi và giải thưởng.
      Thỉnh thoảng, có các tổ chức quốc tế tổ chức thi vẽ tranh thiếu nhi, thường về chủ đề môi trường hay nhân một hoạt động đặc biệt . Cũng có quốc gia tổ chức đột xuất nhân dịp một kỷ niệm trọng đại nào đó.  Nhưng hình thức hoạt động mà chúng ta quan tâm là những cuộc thi vẽ tranh quốc tế thường niên của một số quốc gia. Thường thì người ta hay tổ chức hai hay ba năm một lần.
         Những cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế ( TNQT) đã tạo ra một sân chơi nghệ thuật lớn cho trẻ em trên thế giới. Ngoài ý nghĩa khuyến khích tài năng, tăng cường giao lưu văn hóa, tăng cường hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa thiếu nhi các dân tộc, các quốc gia, những cuộc thi này còn tạo được uy tín và ảnh hưởng về văn hóa của nước chủ nhà với thế giới và nó sẽ tác động rất mạnh đến phong trào hoạt động mỹ thuật thiếu nhi của nước chủ nhà.
   Các quốc gia hiện nay tổ chức thi vẽ tranh TNQT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo chỗ tôi được biết, các nước tổ chức thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế thường niên có  I Ran, Ai Cập, Ấn Độ.(Cuộc thi vẽ SANNKA của Ấn Độ có giải thưởng cao nhất là giải Vàng Nê Ru, Những em đạt giải này được đích thân Thủ tướng Ấn Độ trao huy chương và bằng chứng nhận). Nhưng hình như mấy năm gần đây các nước này không tổ chức, có thể vì suy thoái kinh tế. Hiện tại vẫn duy trì đều đặn là Cộng hòa Séc,  Nhật Bản, Đài Loan , Hàn Quốc. Ban tổ chức các cuộc thi thường triển khai vào nước ta thông qua các đại sứ quán đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm của  bộ văn hóa Việt Nam.
  Việt Nam chúng ta trước kia cũng từng tổ chức thi vẽ tranh TNQT . Cuộc thi được gọi tên là "Để mãi mãi màu xanh" do báo Thiếu niên Tiền phong đứng ra tổ chức.Chủ tịch hội đồng giám khảo là cố họa sỹ Trần Văn Cẩn. Nhưng chỉ tổ chức được hai lần rồi thôi. Thời đấy, nước ta còn rất nghèo. Hy vọng sẽ có ngày, Việt Nam chúng ta tổ chức cuộc thi vẽ tranh  thiếu nhi quốc tế thường niên để giúp phát triển phong trào mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam, đồng thời tăng cường tình hữu nghị và giao lưu văn hóa với thiếu nhi quốc tế.
     Một điều đặc biệt làm nhiều người trên thế giới ngạc nhiên là trong khi có ít quốc gia tổ chức thi vẽ tranh TNQT thì Nhật Bản lại tổ chức nhiều cuộc thi  khác nhau với nhiều nhà tổ chức khác nhau từ nhiều năm nay. Xin kể một số cuộc mà tôi được biết:
  -  Quy mô nhỏ và  mang nhiều tính thương mại  là cuộc thi vẽ của hãng Pentel . Cuộc thi được triển khai ở các nước mà sản phẩm của Pentel có mặt, với yêu cầu chất liệu là họa phẩm của Pentel.
 -  Cuộc thi "Ý tưởng trẻ thơ" của hãng Honda tổ chức. Cuộc thi này đã triển khai ở Việt Nam thông qua Bộ Giáo dục.
 - Cuộc thi vẽ "Xe hơi ước mơ" do hãng Toyota tổ chức.
 - Cuộc thi "Nhật ký bằng tranh"  ENIKKI do hãng Mítsubisi tổ chức.Phạm vi của cuộc thi là thiếu nhi Châu Á. Nghe nói, hãng còn có một bảo tàng tranh thiếu nhi chọn lọc từ các cuộc thi. 
  - Cuộc thi chuyên đề về môi trường do Tổ chức Đảm bảo chất lượng Nhật Bản (JQK) tổ chức.
 -  Triển lãm tranh Thiếu nhi quốc tế Narita là một hoạt động giao lưu nghệ thuật, trước đây không chấm giải nhưng hình như bây giờ đã thay đổi ( Narita là một thành phố địa phương của Nhật).
. - Cuộc thi KANAGAWA, Đây là một cuộc thi lớn có sự tham gia của thiếu nhi hơn 70 quốc gia.
  - Cuộc thi IE-NO-HIKARI  là cuộc thi có quy mô lớn với sự tham gia của thiếu nhi của gần 70 quốc gia.
   Nhật Bản đúng là một cường quốc tổ chức thi vẽ tranh TNQT. Những cuộc thi này tác động tích cực trở lại trong nước và hoạt động mỹ thuật thiếu nhi của họ rất mạnh. Trong điều kiện khó khăn về tư liệu, tôi sẽ cố gắng để giới thiệu với các bạn các bức tranh đạt giải của một số các cuộc thi này.
    Cũng cần phải nói thêm là giải thưởng của các cuộc thi vẽ tranh TNQT thường không có giải thưởng vật chất ngoài huy chương hay bằng khen và giấy chứng nhận, không có quà hay tiền như các cuộc thi vẽ ở Việt Nam tổ chức, trừ một số cuộc thi họ tổ chức tại Việt Nam. Nhưng những em đạt giải nhất của Enikki hay Ý tưởng trẻ thơ... của nước ngoài thường được mời sang Nhật nhận giải và tham quan cùng với một người bảo trợ. Cũng rất thích phải không các bạn.
     Có một điều làm tôi suy nghĩ  là câu hỏi: những hoạt động mỹ thuật TNQT rất nhiều kể trên của Nhật Bản là tự nhiên, tự phát hay là một chủ trương, một chiến lược  trong giáo dục của họ? Và phải chăng, có sợi dây liên hệ giữa hoạt động này với khả năng sáng tạo kỳ diệu của người Nhật đã làm cả thế giới khâm  phục.
    Còn một điều đáng lưu tâm là theo thống kê của trang blog Mỹ thuật Thiếu nhi, tôi thấy phần lớn mọi người chúng ta chỉ thích vào xem tranh của thiếu nhi Việt Nam, mà ít xem và nghiên cứu tranh của thiếu nhi nước ngoài . Rất mong mọi người sẽ quan tâm hơn đến tranh thiếu nhi nước ngoài và thu lượm được ở đây nhiều điều bổ ích.

1 nhận xét:

  1. Chào Bác Dũng, cháu rất tâm đắc và xúc động khi đọc bài viết của Bác. Vợ chồng cháu đều đi dạy, thường ít có thời gian để chơi với con.Con gái lớn của cháu hiện nay 6 tuổi, nhập học tới sẽ vào lớp 1. Mặc dù bé vẽ tranh không đẹp lắm nhưng lại thích vẽ. Thỉnh thoảng cháu lại lên mạng xem có cuộc thi vẽ nào phù hợp với lứa tuổi của bé không nhưng hiếm quá Bác ơi.Ở địa phương cũng vậy. Vừa rồi Sở Giáo dục có thông báo chọn học sinh các cấp tham gia vẽ tranh để hưởng ứng Lễ hội dừa được tổ chức ở tỉnh nhà. Nghe thông báo này, cháu mừng lắm nhưng cháu nghĩ con cháu sẽ không chọn vì số lượng học sinh do trường đưa đi là có giới hạn. Vấn đề không phải cháu muốn con cháu nhận được giải thưởng mà cháu muốn dạy con cháu những đức tính khác như tính kiên trì, sáng tạo, và hơn hết là lòng đam mê nghệ thuật. Cháu nghĩ những đức tính này vô cùng cần thiết và quí giá đối với sự phát triến của trẻ thơ. Được chia sẽ suy nghĩ với Bác, cháu rất vui. Cháu nghĩ Bác có thể góp thêm tiếng nói hay bài viết để sau này các con cháu cũng như những trẻ em khác có nhiều sân chơi bổ ích. Cháu chàu Bác, Chúc Bác nhiều sức khỏe.

    Trả lờiXóa