Tìm kiếm Blog này

2011-11-11

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM TỪ NHỮNG CUỘC THI VẼ TRANH THIẾU NHI

   Càng ngày, mọi người càng nhận  thức được hơn tầm quan trọng của giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Bởi hoạt động này giúp cho các em phát triển nhân cách cùng với những năng lực rất quan trọng. Trong những nội dung của  hoạt động mỹ thuật thiếu nhi, thì các cuộc thi và triển lãm tranh của các em giữ một vai trò không nhỏ. Những cuộc thi vẽ này là một hoạt động văn hóa, một sân chơi hết sức thú vị đối với các em, khích lệ các em, là cơ hội để các em thể hiện mình, thể hiện ước mơ và tài năng sáng tạo. Các cuộc thi này cũng là dịp để các em đánh giá mình và giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Về phía các thầy cô giáo thì đây cũng là điều kiện để họ tìm hiểu, rút kinh nghiệm về phương pháp, nội dung và chất lượng đào tạo của mình. Nếu không có các cuộc thi, triển lãm, việc học tập mỹ thuật của các em sẽ kém hứng thú và kém hiệu quả.
   Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, chúng ta đã có nhiều hơn  những cuộc thi vẽ, những triển lãm tranh cho các em ; thi ở đơn vị, ở cấp tỉnh thành, gần đây có cấp trung ương,Có cuộc do ngành văn hóa tổ chức, có cuộc do ngành giáo dục, có cuộc do các đoàn thể, các ngành, các báo... tổ chức với những nội dung và quy mô khác nhau. Những cuộc thi này đã giúp nâng cao nhận thức xã hội cho các em như với những nội dung, chủ đề ; "Bảo vệ môi trường", "Phòng chống ma túy" , "Tiết kiệm điện", "Tiết kiệm năng lượng", "Bảo vệ tầng Ô zôn", "Lòng nhân ái", "Nói không với bạo lực gia đình", "An toàn giao thông", "Văn hóa giao thông", "Biển đảo Tổ quốc ta"v.v... Tuy phần lớn các cuộc thi chỉ phát huy ở các trung tâm đô thị lớn, nhưng dù sao cũng là những "cú huých" đối với phong trào hoạt động mỹ thuật thiếu nhi. Tôi xin phép không đi sâu vào mặt được, mặt tích cực của hoạt động này, mà xin được chia sẻ với các nhà tổ chức, các bạn đồng nghiệp mấy vấn đề về mặt chuyên môn nảy sinh rất đáng quan tâm. Những vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại không nhỏ, để chúng ta tìm cách khắc phục.
1-Sự hạn chế hiệu quả của các cuộc thi
   Mỗi cuộc thi, tuy có quy mô khác nhau, nhưng điểm giống nhau là sự huy động công sức.Tùy theo mỗi cuộc thi mà phải có những khoản kinh phí cần thiết phải chi. Từ những thành viên trong ban tổ chức, ban giám khảo đến các thầy cô giáo đều đòi hỏi một cố gắng nhất định. Đặc biệt là sự đóng góp công sức các em. Nếu có ai đã được nhìn số lượng tranh gửi đến trong một cuộc thi cấp thành phố hay cấp toàn quốc thì mới cảm nhận được công sức, tâm huyết của các em cho cuộc thi lớn như thế nào. Chứng tỏ các em rất yêu thích hoạt động mỹ thuật. Nhưng, cuộc thi nào thì cũng có người thắng, người thua. Cơ cấu giải thưởng có hạn.Thật tiếc khi thấy có nhiều bức tranh rất đẹp nhưng vẫn không thể vào giải được vì còn bức khác nhỉnh hơn, đấy là nguyên tắc của chuyện đua tranh. Vấn đề đáng bàn ở đây là sau khi kết thúc cuộc thi, kết thúc triển lãm, chúng ta sẽ làm gì với các bức tranh đẹp đã đoạt giải. Phần nhiều là những bức tranh này được cất đi và bị quên lãng. Hay nói một cách khác:  chúng ta chưa phát huy được kết quả của phần lớn các cuộc thi. Chỉ có rất ít các cuộc thi được chọn tranh đẹp in sách vì in sách tranh tốn rất nhiều tiền . Nếu in thì số lượng cũng hạn chế vì giá thành sách tranh rất cao, khó phát hành. Vì vậy chỉ in đủ để tặng và tuyên truyền trong một khuôn khổ hạn hẹp. Cũng ít khi có sự tổng kết, rút kinh nghiệm kỹ càng, thấu đáo về mặt chuyên môn sau cuộc thi. Bởi hầu hết các cuộc thi đều mang tính chất phong trào. Các cuộc triển lãm tranh của các em thường mở ngắn ngày và cũng chỉ phục vụ được cho các em quanh khu vực, các em ở xa không thể đến xem. Những bức tranh đẹp không được nhiều người biết đến. Ngay như cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc-2011, là hoạt động mỹ thuật thiếu nhi lớn nhất trong cả nước, tuy được hàng trăm báo chí đưa tin, nhưng tất cả chỉ đăng ảnh quan chức khai mạc triển lãm chứ không đăng tranh của các em. Có một vài báo đăng thì chỉ một hai bức ví dụ. Không được tiếp xúc với nhiều tranh đẹp là một sự hạn chế rất lớn cho việc học và dạy mỹ thuật.Còn phải nói thêm một điều nữa: hàng năm, chúng ta vẫn chọn gửi những bức tranh đẹp để tham dự các cuộc thi quốc tế, từ những cuộc thi này có thể đem về những bằng khen, huy chương, nhưng tranh thì mất. Vì thông lệ và thể lệ ở tất cả các cuộc thi tranh thiếu nhi - tranh không được gủi trả lại, việc đó quá phiền hà và tốn kém cho ban tổ chức. Bạn được xem tranh của ta, nhưng ta không được xem tranh của bạn. Chính từ trăn trở đó mà tôi đã mở trang blog MỸ THUẬT THIẾU NHI  với mong muốn giúp các em và các bạn đồng nghiệp có thêm thông tin, thêm tư liệu phục vụ cho việc dạy và học mỹ thuật của thầy và trò, nhất là ở các vùng xa các trung tâm đô thị, đồng thời tạo điều kiện để nhiều người được thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi, tuy rằng trang blog này đã chiếm của tôi không ít thời gian.
2- Chênh lệch về giáo dục nghệ thuật giữa các vùng miền.
   Phải khẳng định một điều là hiện nay đang có sự chênh lệch về giáo dục giữa đô thị và nông thôn, chứ chưa nói đến miền núi hay vùng sâu vùng xa. Mà trong đó, chênh lệch về giáo dục nghệ thuật thì lớn gấp bội. Nên các cuộc thi vẽ cho trẻ em lâu nay chỉ là sân chơi cho trẻ em ở đô thị. Trẻ em nông thôn có tham gia cũng rất ít có hy vọng tranh giải. Chỉ khi nào địa phương tổ chức thi thì các em mới có cơ hội, nhưng điều này rất hiếm.Trong các cuộc thi, tranh của các em khu vực nông thôn thường không được đẹp, nhiều em có nét vẽ khô cứng, màu sắc đơn giản, thiếu tính sáng tạo và thể hiện một thị hiếu thẩm mỹ thấp. Đây là một thực trạng buồn. Lý do rất dễ hiểu: Các em không được giáo dục mỹ thuật hoặc có nhưng không tốt. Các em không có điều kiện như không có họa phẩm hoặc có nhưng chỉ là loại họa phẩm kém chất lượng vì khả năng kinh tế. Không có thầy cô dạy mỹ thuật hoặc không nhiều thầy cô có năng lực chuyên môn tốt; chương trình dạy mỹ thuật của bộ giáo dục thì chưa hợp lý và chưa sát với tâm lý và sự phát triển trí tuệ của lứa tuổi các em; Thầy cô giáo cũng như các em đều thiếu thông tin và tài liệu tham khảo , nghiên cứu...cùng với vô vàn lý do khác. Nhưng ngay cả ở các đô thị lớn thì hoạt động giáo dục mỹ thuật cho các em cũng không đồng đều giữa các khu vực dân cư, giữa nội thành và ngoại thành là đã rất khác nhau. Vấn đề nổi cộm ở đây không phải là chuyện tranh đẹp, tranh xấu, mà chúng ta thấy sự mắc nợ của xã hội với trẻ em nông thôn trong lĩnh vực này. Thực trạng này đòi hỏi trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, của cả xã hội chứ không riêng gì trách nhiệm của ngành giáo dục
3- Khuynh hướng hồn nhiên
Cuộc thi nào thì cũng phải có một ban giám khảo để đánh giá và chấm giải. Dĩ nhiên, uy tín và ảnh hưởng của cuộc thi có một phần phụ thuộc vào thành phần của ban giám khảo. Cho nên, thành viên ban giám khảo thường là những người có uy tín về nghề nghiệp hoặc có chức danh cao. Đa phần, họ có con mắt nhìn tinh khi đánh giá tranh, nhưng có một hạn chế là phần lớn họ không hiểu sâu về tranh thiếu nhi. Giống như những khách du lịch Châu Âu thường mê mẩn trước những cái cũ kỹ, lạc hậu ở Việt Nam như xích lô, quang gánh, trâu cày. Ban giám khảo - những người thường có tay nghề điêu luyện, phong cách đã định hình trong sáng tác thường cũng rất thích thú trước sự hồn nhiên đầy ắp trong tranh các em nhưng lại là cái mà các họa sĩ người lớn không còn. Tâm trạng này sẽ dẫn đến sự không thiện cảm với những bức tranh bị cho là "vẽ giống người lớn", "già". Vì vậy , các em vẽ "ngây", "hồn nhiên" dễ thắng. Hiện tượng này phổ biến cả ở Hà Nội lẫn TP Hồ Chí Minh.
   Ban giam khảo cũng không ngờ rằng điều này đã định hướng cho các thầy cô dạy vẽ ở nhiều nơi, "rút kinh nghiệm cho cuộc sau" và họ đã đúng. Thế là có em 14, 15 tuổi vẫn được các thầy cô hướng dẫn vẽ hình "ngây" như hình của các em 5, 6 tuổi để dễ đoạt giải thưởng. 5-6 tuổi vẽ ngây là chuyện thường tình , nhưng 14-15 tuổi vẫn ngây thì không ổn lắm. Năm này qua năm khác, đến nay, trẻ em chúng ta không có khả năng vẽ kỹ và sâu. Sau những giải thưởng tranh thiếu nhi, tôi nghi ngờ khả năng đi tiếp con đường nghệ thuật của các em quen vẽ "ngây" này. Sự thất bại ở những cuộc thi đối với những em vẽ "khôn", "già giặn" cũng sẽ làm nhiều em  vốn"có quyết tâm theo nghề" dễ nản lòng bỏ cuộc. Các bạn hãy xem giải thưởng triển lãm mỹ thuật thiếu nhi toàn quốc-2011 và so sánh với tranh thiếu nhi quốc tế ( có đăng trong blog này), chắc sẽ đồng ý với tôi.
   Có thể sẽ là không công bằng nếu chỉ đổ lỗi cho ban giám khảo các cuộc thi. Nhìn lại lịch sử mỹ thuật, những giá trị mỹ thuật truyền thống của chúng ta không nhiều những cái tinh xảo, kinh điển...mà phần lớn là những cái mộc mạc, giản dị tuy rất tình cảm và tạo nên cái riêng của Việt Nam như tranh Đông Hồ, như chạm khắc đình làng, như nét mặt của những con rối nước rất "ngây, mộc", mà không nhiều những cái kỹ càng, đi đến cùng trong kỹ thuật thể hiện như ở nhiều quốc gia khác.Có lẽ cái dễ bằng lòng , không kiên trì đi đến cùng trong công việc là đặc điểm của người Việt Nam chăng. Ban giám khảo thì cũng là người Việt Nam. Nhưng chúng ta không thể chỉ "ngây". Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ làm mất đi sự phát triển đa dạng của mỹ thuật thiếu nhi, không tạo được nguồn có chất lượng phong phú cho đầu vào của các trường nghệ thuật, đồng thời, không rèn luyện được nhiều tính kiên trì, ý chí quyết tâm trong tìm tòi và sáng tạo. Để khắc phục điều này,  rất mong các họa sỹ khi làm thành viên giám khảo chấm tranh thiếu nhi cần phải thật khách quan, thận trọng và lưu ý.
4- Những người săn giải
    Chúng ta cũng phải thông cảm phần nào với các thầy cô giáo dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông, các câu lạc bộ, nhà thiếu nhi. Họ phải chịu áp lực không nhỏ từ phụ huynh học sinh, từ lãnh đạo của họ. Mỗi khi có cuộc thi vẽ được tổ chức, đôi khi người lớn "máu" giành giải thưởng hơn trẻ em. Trong khi-với các em- tham gia cuộc thi chỉ như là tham gia một cuộc chơi. Có một lần, tôi gặp một giáo viên dạy vẽ của một trường tiểu học và hỏi thăm cô về tình hình ở trường cô trong lúc thành phố đang có cuộc thi vẽ. cho biết: "Em xin lỗi, em không triển khai cho học sinh trường em thi vẽ cuộc này đâu. Vì nếu được giải thì không sao, chứ nhỡ không được giải, em lại bị hiệu trưởng mắng. Sợ lắm. Các cuộc thi của sở giáo dục thì bắt buộc em phải tham gia thôi". Tất nhiên, trường hợp như thế này không nhiều. Hầu hết các thầy cô giáo đều mong có cuộc thi để học sinh của mình tham gia. Tuy rằng, triển khai cho học sinh thi sẽ làm cho các thầy cô vất vả, bận bịu hơn nhưng thấy vui hơn vì nhờ hoạt động này có thể phong trào mỹ thuật của lớp mình, trường mình sẽ tốt hơn. Điều này vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của thầy, cô. Đấy là một tinh thần tích cực.
   Có một điều cần phê phán ở một số thầy cô và lãnh đạo là nhận thức lệch lạc về việc này: giành giải thưởng bằng mọi cách vì thành tích của đơn vị mình và của mình - lại bệnh thành tích. Tranh của các em tự vẽ thường thiếu sự hoàn chỉnh. Bao giờ tranh cũng hoàn chỉnh hơn sau khi có sự tham góp của thầy cô giáo. Sự tham góp phải đúng mức để bảo đảm tranh hoàn toàn là sản phẩm của các em,bằng nhận thức và khả năng của các em. Nhưng thay vì khuyến khích, gợi ý hay hướng dẫn cho các em, thầy cô lại tìm hộ bố cục cho các em. Nếu thầy cô không phác hình trực tiếp vào tranh thì sẽ vẽ mẫu để các em chép bố cục, rồi chỉ đạo màu sắc để các em thể hiện. Đôi khi, còn trực tiếp "nhúng tay" vẽ hộ. Những cách làm này là sai phạm .Người ta thấy có những bức tranh gửi dự thi có sự tham gia lộ liễu của người lớn. Tuy vậy , có thầy cô "gẩy" rất siêu, làm ban giám khảo đau đầu vì không biết trong bức tranh đó có bao nhiêu phần là do trẻ em vẽ, bao nhiêu phần là do thầy cô vẽ. Chọn tranh vào giải thì sợ ban giám khảo bị lừa, không công bằng với các em khác. Loại tranh ra thì sợ em ấy bị xử oan, sợ bỏ qua một tài năng quý hiếm. Cuối cùng ban giám khảo đành chặc lưỡi: "để lương tâm em ấy tự phán xét" nếu em không trung thực, vì không có điều kiện kiểm chứng. Có thể đứa trẻ ấy sẽ vui mừng khi được nhận giải thưởng, nhưng chắc chắn trong sâu xa, lòng tự trọng của em bị sứt mẻ.
5- Nạn đạo tranh, chế tranh
    Ai cũng hiểu nguyên tắc của cuộc thi vẽ : bức tranh gửi dự thi phải là tác phẩm của mình tạo ra, tuyệt đối không được sao chép tranh của người khác. Vi phạm điều này là gian dối trong thi cử và trở thành chuyện đạo đức, nhân cách của các em. Nhưng hiện nay, việc chép tranh người khác để dự thi không phải là hiếm vì nếu không lọt cũng không sao. Ở nước ta,chưa một em nào bị kỷ luật vì việc này. Tôi đã gặp những "dị bản" tranh của các họa sỹ lớn trong những lần được chấm tranh, thậm chí đã từng được gặp tranh của chính mình.Thực ra, cóp tranh người lớn thì ban giám khảo phát hiện được ngay. Tinh khôn nhất là "chế" tranh thiếu nhi, đôi khi là của thiếu nhi nước ngoài, không cóp nguyên xi. Có khi, một bức tranh của một em đã đạt giải cuộc thi này nhưng chép lại hoặc có sửa đổi chút ít cho phù hợp nội dung thi hay còn gọi là "chế" tranh để lại lấy giải ở cuộc thi khác. Ban giám khảo các cuộc thi thường khác nhau, không hiểu biết sâu về tranh thiếu nhi, nên những thợ "chế"này vẫn ăn giải. Rất đáng tiếc là ở đây hình như có sự đồng lõa của thầy cô giáo của các em.
6- Sự giống nhau về cách vẽ ở trong một lớp, một lò
    Một chuyện thường gặp là trong mỗi cuộc thi có nhiều đơn vị gửi tranh tham gia, bao giờ cũng có hiện tượng ở một số đơn vị - nhưng không phải là tất cả- là các em ở cùng một đơn vị có cách vẽ giống nhau. Các em học trong cùng một lớp, một trung tâm, một nhà thiếu nhi thường chịu ảnh hưởng lẫn nhau, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của người thầy dạy chúng. Nhưng để nhiều em có cách vẽ giống nhau, nhiều bức tranh của các em khác nhau mà người ta tưởng là của một em vẽ thì thật đáng tiếc. Đây là lỗi hay hạn chế của thầy cô hướng dẫn, vì đã để làm mất cá tính của các em. Quá trình dạy mỹ thuật cho các em là quá trình giúp các em trở thành chính mình, giúp các em tự tin và tạo ra tác phẩm của mình không giống người khác. Điều này rất quan trọng, vì sâu xa hơn, chính là chúng ta giúp các em có năng lực độc lập về tư duy mà không trở thành những con người chỉ quen bắt chước, a dua hay phụ thuộc. Với các em, nội dung hướng dẫn không bao giờ là một mẫu số chung. Các thầy cô phải phát hiện được cái mạnh, cái riêng của từng em để khơi gợi, khuyến khích. Thực ra,bên cạnh lỗi của thầy cô thì  mặt trái của hiện tượng vẽ giống nhau này còn là biểu hiện của sự thiếu tự tin của các em. Đây là hạn chế lớn của trẻ em chúng ta.
7- Sự thiếu tự tin của trẻ em chúng ta.
   Thiếu tự tin là một hạn chế lớn và phổ biến của trẻ em chúng ta. Nó hạn chế rất nhiều đến quá trình học tập và kết quả học tập mỹ thuật của các em. Khắc phục điều này rất khó khi mà trong đời sống xã hội, trẻ em chưa được tôn trọng đúng mức. Trong phạm vi ở lớp học, các thầy sẽ phải vừa là thầy ,vừa là bạn, là người dẫn dắt tinh thần cho các em.Thầy cô áp đặt ý kiến hay chê bai chỉ trích chỉ làm các em thêm mất tự tin và không thể vẽ được. Rồi thầy cô nhiệt tình vẽ hộ vào tranh của các em cũng sẽ làm các em mất tự tin không kém. Các em sẽ tự tin hơn khi nhận được ý kiến khơi gợi đúng mức của thầy cô để tác động vào tư duy các em với sự tôn trọng và tình cảm yêu mến các em ở thầy cô. Các em rất cần những lời động viên khích lệ của thầy cô và nhất là khi các em nhận thấy sự tiến bộ trong học tập của mình. Khi tự tin, các em sẽ có thể có nhiều điều kiện cho một trạng thái tinh thần khác: ước muốn sáng tạo. Các em không thể sáng tạo khi không hứng thú, nhưng cũng không thể sáng tạo được khi thiếu tự tin và bị gò ép.
8- Sự sáng tạo trong tranh và trong hoạt động mỹ thuật.
   Trong tất cả các môn học ở nhà trường , không có môn học nào kích thích óc sáng tạo các em bằng môn mỹ thuật. Nhưng tiếc rằng, chúng ta chưa đạt được mục đích này vì nhiều lý do. Qua nghiên cứu và so sánh tranh vẽ của trẻ em Việt Nam với tranh của trẻ em nước ngoài, tôi nhận thấy có nét khác biệt. Phần lớn tranh của trẻ em nước ngoài có nhiều yếu tố hội họa hơn, nhiều tính sáng tạo và độc đáo hơn.(Tất nhiên có nước còn kém Việt Nam). Tranh trẻ em Việt Nam thường có khuynh hướng minh họa, tôn trọng hiện thực, cách thể hiện gần với đồ họa (tô màu mảng phẳng rồi viền nét)  không có nhiều những cách nhìn độc đáo bởi thường nệ thực. Tôi nghĩ rằng hạn chế này của chúng ta có nhiều nguyên nhân: Liệu có nguyên nhân là từ truyền thống?  Người Việt Nam chúng ta rất tôn trọng kinh nghiệm, thông minh, giỏi bắt chước nhưng không giàu sức sáng tạo,( thực tế là chúng ta không có những nhà tư tưởng, nhà phát minh). Có nguyên nhân là hạn chế của không gian tinh thần của các em, các em ít tự do - ở nhà trường cũng như ở gia đình- ít được tiếp cận với nghệ thuật, với hội họa, ít hoặc không được đi xem bảo tàng, xem triển lãm tranh, xem các phiên bản tranh đẹp của các danh họa. Đời sống vật chất khó khăn cũng góp phần làm nghèo trí tưởng tượng, sự lãng mạn của các em. Có nguyên nhân là điều kiện học tập: điều kiện cần là các em phải được tiếp cận với họa phẩm tốt, được sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để tìm tòi nhiều cách xử lý khác nhau, hình thức khác nhau. Các em không chỉ có vẽ mà còn được nặn ,được dán, ghép, trổ, in...Mà ngay việc vẽ thì cũng cần có nhiều chất liệu: màu nước, màu goát, acrilyc, bút chì, bút sắt..kết hợp với nhiều chất liệu khác, chứ không phải chỉ mỗi hộp màu sáp vẽ quanh năm. Đây là một vấn đề khó trong điều kiện hiện nay đối với nhà trường và các nhà thiếu nhi. Nhưng các cơ sở đào tạo tư nhân thì thì lại có thể dễ  giải quyết vấn đề này hơn. Rồi hạn chế của thầy cô, của phương pháp giảng dạy và nhất là hạn chế của nội dung chương trình học tập,  mà chúng ta sẽ có dịp bàn tiếp. Trong những năm gần đây, tranh thiếu nhi Việt Nam ít được giải cao ở những triển lãm tranh quốc tế của những quốc gia có hoạt động mỹ thuật thiếu nhi mạnh. Tất nhiên, chẳng ai có ý định đào tạo tất cả thiếu nhi Việt Nam thành họa sĩ. Nhưng muốn phát triển năng lực sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và những năng lực xã hội khác, đồng thời để góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em, các em rất cần được giáo dục mỹ thuật thông qua hoạt động với sự hứng thú của các em mà không thể giáo dục bằng lý thuyết. Tài năng và trí thông minh của các em cũng phát triển trên cơ sở này. Chắc chắn, chúng ta không mong gì trong tương lai có một thế hệ công dân dù thông minh nhưng kém thẩm mỹ, nghèo cảm xúc và thiếu năng lực sáng tạo.
   Trên đây là một số suy nghĩ và những băn khoăn của tôi qua theo dõi các cuộc thi vẽ của thiếu nhi mà tôi muốn được chia sẻ với các bạn, với những ai quan tâm đến hoạt động giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi, đến sự nghiệp giáo dục thiếu nhi. Để những ai liên quan và có trách nhiệm tìm cách góp phần khắc phục. Tôi cũng rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp, tham gia của của mọi người cùng với thông tin hoạt động mỹ thuật thiếu nhi của các địa phương để trang blog Mỹ thuật thiếu nhi ngày một tốt hơn. 


PHỤ LỤC:

  
PHAN THỊ THANH NHÀN 12T Nhà Thiếu nhi Việt Đức - Nghệ An
Giải A cuộc thi vẽ tranh "Ước mơ của em về Việt Nam trong 10 năm tới"  do Hội Mỹ  thuật VN và  Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp tổ chức năm 2003

  
PHAN THANH TUYẾT 15T Nhà Thiếu nhi Việt Đức- Nghệ An. 

























          
     Giải A cuộc thi vẽ"Phù đổng hôm nay, Sea games ngày mai" do Báo Nhi đồng và Họa mi (TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục Đào tạo) phối hợp tổ chức năm 2004


  
HÀ VINH  14T  Nghệ An  trưng bày tại "Triển lãm tranh Thiếu nhi toàn quốc 2011"
 do Cục Mỹ thuật- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức


Chúng ta hãy so sánh 3 bức tranh của 3 em khác nhau ở 3 thời điểm khác nhau  chắc dễ dàng nhận ra  những điểm giống nhau của chúng. Thực  ra còn một bức nữa "anh em" của những bức này được gửi tham dự cuộc thi vẽ với chủ đề "chống ma túy" do Bộ Y tế và ỦY ban Quốc gia Bảo vệ và chăm sóc trẻ em phối hợp tổ chức cách đây ít năm đã suýt được giải. Bức tranh đó cũng có hàng cây y chang, bên dưới là mảng đất cong như thế, điểm khác là trên mảng đất được vẽ thêm những nấm mộ với những cây thánh giá.Tôi không nhớ tên tác giả, chỉ nhớ là của Nghệ An. Tôi có tham gia ban giám khảo cuộc thi này . Điểm gây ấn tượng của những  bức tranh này  là hàng cây với những mảng lá được cách điệu theo lối trang trí tạo thành những mảng họa tiết thay đổi khác nhau khá đẹp. Xử lý được như vậy thường phải là những họa sĩ đã được đào tạo bài bản, có tay nghề chứ khó có thể là của một em 12-13 tuổi. Sẽ là không hay khi trên sân chơi của trẻ em lại có lẫn người lớn.Đây không phải là trường hợp duy nhất,  có những trường hợp khác còn giống nhau nhiều hơn.

14 nhận xét:

  1. TÔI CŨNG LÀ GIÁO VIÊN MĨ THUẬT TIỂU HỌC TUY MỚI CHUYỂN VÀO DẠY 3 THÁNG THÔI NHƯNG TÔI CŨNG CẢM NHẬN ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ,(TRƯỚC ĐÂY TÔI LÀ NHÀ TK VỀ HOA VĂN CHO DỆT THÁI TUẤN.) BÀI VIỆT THẬT HAY CẢM ƠN BẠN N LẮM GIÁ NHƯ NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỌC ĐƯỢC THÌ HAY BIẾT MẤY!!!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn họa sĩ đã nói lên điều bức xúc trong các cuộc thi tranh thiếu nhi! Tôi cũng là giáo viên dạy mĩ thuật, cũng phải chịu nhiều áp lực từ các hội thi (và thật buồn là rất hiếm khi học sinh của tôi có giải- dù chỉ ở cấp huyện). Thế nhưng muốn học hỏi kinh nghiệm ở các bài đạt giải thì còn khó hơn lên trời bởi chẳng bao giờ các bức tranh đó được "lộ diện" ra ngoài. Chỉ có Ban giám khảo biết tranh đó trông như thế nào thôi, (mà những ai là thành viên trong BGK cũng không thấy công bố). Điều này làm tôi thật sự cảm thấy lúng túng khi không biết cách vẽ của học sinh có những ưu- khuyết điểm gì... Mặt khác, tranh đẹp (vì phải đẹp mới có giải)bị xếp xó thì thật lãng phí tài năng, công sức của các em.

    Trả lờiXóa
  3. Bài Thầy viết toát lên những băn khoăn, trăn trở của một tấm lòng hết mình vì sự nghiệp giáo dục mỹ thuật. Thật may mắn cho nền giáo dục có những giáo viên như các Thầy Cô khoa Mỹ thuật - Cung thiếu nhi HN. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, em xin gửi tới Thầy những lời chúc tốt đẹp nhất. Kính chúc các Thầy Cô luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  4. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam năm nay 2011, kính chúc thầy dồi dào sức khoẻ, đào tạo nhiều tài năng cho đất nước, sáng tác nhiều, vẽ nhiều.
    Rất cảm ơn về những lời tâm huyết và những giá trị thầy đã chuyển tải trên blog của mình.

    Trả lờiXóa
  5. Chào thầy TiếnDũng. Thầy viết bài rất hay.Em là giáo viên dạy mĩ thuật tại trường trung tâm của Thành Phố. Bản thân là một giáo viên tâm huyết với nghề. Nhưng mỗi khi có một cuộc thi cấp trên xuống em rất bị áp lực. Học sinh của em hầu như vẽ rất tốt nhưng qua mấy lần dự thi trường không có giải thì thật là buồn thầy àh. Mà không biết lý do tại sao? Em mong các BGK chấm tranh đều nhìn rộng như thầy.

    Trả lờiXóa
  6. cảm ơn thầy vì đã viết một bàt viết đầy tâm huyết.

    Trả lờiXóa
  7. cảm ơn thầy 1 bài viết tuyệt vời

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn bạn Van Quan đã động viên.

    Trả lờiXóa
  9. Một bài viết thật là bổ ích với em, cũng như tất cả mọi người! Xin trân trọng cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
  10. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  11. đọc bv của thầy cứ như là đi ruốc trong bụng vậy,hj. Cảm ơn thầy, e đi dạy chỉ có 3 năm thôi,nhưng chưa có thành tích gì khi dẫn hs đi thi,e cũng buồn cho bản thân mình lắm,e đang hết sức cố gắng học tập đồng nghiệp,....hi vong sẽ có thay đổi. Hôm nay đọc bv của th e lại thấy có động lực hơn rồi. Động lực trong việc hd hs đi thi vẽ và động lực thôi thúc e trong sáng tác, lần này chắc e sẽ vô làm hội viên hội mt Vĩnh Long quá, để có cơ hội học hỏi nhiều hơn, vì e còn thua kém nhiều quá. Lần nữa cảm ơn th nhiều lắm!!

    Trả lờiXóa
  12. đọc xong đúng là e có thêm động lực,cảm ơn th nhiều lắm

    Trả lờiXóa
  13. rất mong một ngày nào đó sẽ gặp đc th

    Trả lờiXóa