Tìm kiếm Blog này

2013-04-03

Giáo dục mỹ thuật ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, những cách tiếp cận mới

                                                                                         TS. Trang Thanh Hiền
                                                                       Giảng viên trường ĐH Mỹ thuật HN


NGUYỄN TIẾN DŨNG : Để đánh giá thực trạng hoạt động mỹ thuật của thiếu nhi , đề ra giải pháp giúp phát triển hoạt động mỹ thuật của thiếu nhi trở thành sự phối hợp giữa các ngành. Tháng 5 / 2004 - Tại Hà Nội - Bộ Văn hóa -Thông tin, Bộ giáo dục và đào tạo, Ủy ban dân số gia đình và trẻ em VN, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ VN đã phối hợp tổ chức hội thảo mỹ thuật của thiếu nhi trong và ngoài nhà trường. Tham gia hội thảo có 46 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý tại các cơ quan chăm sóc thiếu nhi. 
Đây là cuộc hội thảo về giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Kể từ cuộc hội thảo này, tới nay đã được 9 năm. Hoạt động giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi trong và ngoài nhà trường đã có những chuyển biến tích cực, giải thưởng mỹ thuật toàn quốc cho thiếu nhi đã được triển khai. Song, bên cạnh đấy vẫn còn rất nhiều bất cập. Nhiều vấn đề được nêu ra trong hội thảo đến nay vẫn còn nguyên giá trị và không bao giờ cũ. Để giúp cho các bạn đang làm công tác giáo dục mỹ thuật cho thiếu nhi có thêm điều kiện tham khảo và nghiên cứu, tôi xin được giới thiệu một số tham luận trong hội thảo này và đây là bài thứ nhất.

              
    Trong những năm gần đây, vai trò của của giáo dục Mỹ thuật ở bậc cấp tiểu học và trung học cơ sở đã được chú ý của các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh. Trong xã hội hiện đại cùng với sự phát triền nhanh chóng của các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chuyên ngành nghệ thuật nói chung cũng như đời sống mỹ thuật nói riêng đã có những bước tiến không ngừng. Như ở lĩnh vực quảng cáo: trên pa nô áp phích ngoài đường phố, trên mạng truyền hình thì nghệ thuật chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Nó không chỉ có nghĩa vụ thúc đẩy sự phát triển của thị trường mà còn có sự tác động rất to lớn đến thẩm mỹ xã hội và trước hết là thế hệ trẻ. Do đó nhiệm vụ giáo dục mỹ thuật đặt ra là vô cùng cần thiết để hướng cho trẻ những cái nhìn thẩm mỹ đúng đắn, năng lực nắm bắt thời đại nhạy bén, tạo đà cho sự hòa nhập chung cùng thế giới.
    Nhìn lại các giáo trình nghệ thuật của Việt Nam cho bậc tiểu học và trung học cơ sở các phân môn vẽ trang trí, vẽ theo mẫu, vẽ theo đề tài, ba môn chủ đạo có tính giáo dục kiến thức cơ bản chiếm thời lượng lớn. Đặc biệt gần đây trong các giáo trình cải cách, các soạn giả đã đưa thêm vào phần giới thiệu di sản mỹ thuật Việt Nam và thế giới. Đây là mảng quan trọng bởi nó mang lại những hiểu biết cần thiết tạo ra một tầm nhìn rộng mở hơn cho thế hệ trẻ. Với các cấu tạo như thế chương trình có thể nói là tương đối toàn diện. Tuy nhiên, nếu khảo sát kỹ càng hơn, về nội dung và phương pháp giảng dạy của từng phân môn thì ở đó có nhiều tính bất cập như thừa về thời lượng nhưng lại thiếu về nội dung và tính phong phú.
     Thử lấy môn trang trí làm ví dụ: trang trí từ trước đến nay vẫn là một bộ phận cơ bản không thể thiếu ở các giáo trình mỹ thuật phổ thông. Nó là một trong những mảng nghệ thuật gần gũi nhất với tâm lý sáng tạo của con người, đồng thời là một thế mạnh của mỹ thuật truyền thống. Nhưng ở các giáo trình này, môn trang trí đã thực sự cập nhật chưa, làm nên một phương thức tiếp cận tốt chưa là điều đáng bàn. Nếu lướt qua bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5, lớp 6 đến lớp 8, gần như đề tài trang trí chỉ luôn lặp lại ở các bài tập trang trí hình vuông, hình tròn, hình dẻ quạt, đường diềm… rất tẻ nhạt. Kể cả bộ sách mới có sửa chữa tái bản gần đây nhất  cũng không tránh khỏi sự nhàm chán. Trong khi trên thế giới bộ môn đồ họa trang trí rất phát triển và được thực hành trên mọi khía cạnh phong phú khác nhau, chưa kể đén đồ họa vi tính, thì liệu một chương trình như vậy có có lỗi thời hay không?Liệu có cần đến một sự thay đổi?Tôi được biết có những đứa trẻ, do tính chất lặp lại của các bài học này đã khôn ngoan lấy lại các bài vẽ cũ sửa sang đi một chút, hoặc lấy lại bài của các anh chị chúng làm bài của mình. Như vậy, vô hình chung chúng ta đã để cho một môn học đầy sáng tạo và hấp dẫn trở thành một lối mòn đơn điệu không đáng có. Lấy ví dụ: Trang trí đường diềm, tôi đã xem nhiều bài vẽ của học sinh chỉ lấy một mô típ là hoa 5-6 cánh để lặp lại, thình thoảng là một vài chiếc hoa dây, những đường kỷ hà hoặc hơn nữa là những con vật  được cách điệu, nhìn chung là đơn điệu. Trong khi sách tham khảo về trang trí của Trung Quốc bán ở hiệu sách thì hình thức trang trí này là rất đa dạng. Đó là một nguồn tài liệu dồi dào và phong phú. Thêm nữa, trong các sách  tập vẽ để học sinh thực hành thì phần giấy dành cho trang trí hoặc làm tranh thường có khổ khoảng bằng nửa tờ A4, hoặc giáo viên cho chúng làm vào các quyển vở ôli rất bé. Như vậy vô tình chúng ta tập cho học sinh một thói quen nhìn vụn vặt, trong khi điều kiện có thể cho phép trẻ vẽ được các tác phẩm lớn hơn có thể mang thêm giấy vẽ ngoài quyển vở. Tôi biết rằng hiện nay có rất nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc học vẽ của trẻ em trong trường phổ thông và có khả năng để đầu tư giấy cũng như màu vẽ cho trẻ. Bằng chứng là Cung thiếu nhi, hay các câu lạc bộ, nhà văn hóa vào dịp hè số lượng trẻ em tham gia vào lớp họa không ngừng gia tăng và phải thường xuyên mở thêm các lớp bổ sung. Vấn đề ở đây không phải là đào tạo nên một đội ngũ họa sĩ kế cận mà chỉ đơn giản để bồi dưỡng, phát triển năng khiếu thẩm mỹ và năng lực tiếp cận thời đại cho học sinh.
   Một vấn đề khác thiết nghĩ cũng cần phải được nêu lên là ví dụ bằng hình ảnh cụ thể được đưa ra minh họa trong sách, tranh minh họa rất cần thiết để học sinh hiểu được khái niệm phần mình được học. Nhưng chọn minh họa nào, đó đã thực thực sự là những minh họa đẹp hay chưa mới là điều quan trọng. Trừ những phiên bản về nghệ thuật thế giới trong chuyên mục giới thiệu mỹ thuật của học sinh có nhiều minh họa mang “gu” thẩm mỹ tồi. Điều này sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến ciệc phát triển năng lực cảm thụ của trẻ trong khi thực hành làm những tác phẩm của chính bản thân chúng. Bởi tâm lý của học sinh Việt Nam phần nhiều là luôn luôn phải dựa vào sách, những ví dụ ở sách sẽ là những ví dụ “chuẩn” để chúng noi theo.
     Trở lại với các bài học trang trí đơn giản: hình vuông, hình tròn, tôi có được tham khảo một số giáo trình dạy nghệ thuật của một số nước Châu Á như thái Lan, Philippin, Trung Quốc thì thấy rằng cũng là việc dạy trang trí hình vuông, hình tròn, nhưng ở đó họ đã tạo ra những ứng dụng phong phú đa dạng nhau. Ngay những nguyên lý trang trí: đối xứng và điều hòa, đều đặn và thăng bằng, mạch lạc và lặp lại, tỷ lệ và kích thước thì những giáo trình này đã đặt ra những bước thực hành rất tỉ mỉ và dễ hiểu. Ví dụ với nguyên tắc đối xứng họ đẻ cho trẻ tự tìm hiểu và phát hiện những kiểu dạng đối xứng trong tự nhiên rồi đi tới cách điệu, giản lược. trên cơ sở đó sáng tác, phát triển thành một bình đồ trang trí, khuyến khích trí tưởng tượng. yếu tố nét được đặc biệt chú trọng đến, nét tạo ra một ngôn ngữ, nét mỏng thưa hay dày đặc đã tạo thành tiếng nói cho tác phẩm chưa kể đến màu. Sau khi đọc những nguyên lý trang trí cơ bản, thì bước thứ hai là để học sinh thực hành ứng dụng vào thực tế như trang trí nhà cửa. Cho chúng phát hiện những trang trí hình vuông, hình tròn trong môi trường sống, trên đường phố, ngoài sân bãi, trong tòa nhà…hay trực tiếp cho chúng tạo ra những đồ dùng, đồ chơi trẻ con như túi xách, khăn bàn, lọ hoa…những vật phẩm nghệ thuật và tự lập ra những đề án trang trí cho riêng mình. Tuy nhiên, điều khác biệt khá rõ ràng trong phương pháp của họ là không chỉ coi môn mỹ thuật như một bộ môn dành cho hoạt động cá nhân riêng biệt, chình điều này đã xua tan đi những nghi ngại của bản thân tôi khi thấy rằng ở các giáo trình này đã đưa một dung lượng quá lớn kiến thức từ khái niệm cho đến yêu cầu thực hành vào một tiết học. Trong giờ mỹ thuật trẻ em sẽ tự vận động suy nghĩ tìm tòi dưới sự hướng dẫn của giáo viên – người luôn đóng vai trò làm chủ trò chơi, đặt ra những câu hỏi để chúng tự khám ra kiến thức. Điều mà cuối mỗi tiết học giáo viên sẽ chốt lại có tác dụng làm trẻ ghi nhớ sâu sắc hơn, ấn tượng hơn vì đó là những kiến thức mà bản thân chúng tự khám phá trong quá trình học. Rồi tiếp đó trẻ có thể phối hợp từng nhóm để làm chung một tác phẩm và giải thích cho nhau những điều chúng phát hiện.
   Với các bài thực hành trang trí có tính ứng dụng, như một trò chơi, trẻ được tạo ra những tác phẩm nghệ thuật một cách tự do theo suy nghĩ của chúng từ bài học. Những vật nghệ thuật này được làm ra từ cắt giấy hay làm những cái nhạc gió, làm các đồ trang trí khác nhau…nhiều khi không nhất thiết phải hoàn thành một sản phẩm nào đó sau một tiết học. Nhưng khâu cuối cùng vô cùng quan trọng là việc tự đánh giá tác phẩm của nhau hoặc của từng nhóm. Hoạt động này vừa giúp cho trẻ một sự tự tin vào khả năng của mình với những sản phẩm nghệ thuật mà chúng tạo ra, đồng thời tạo ở trẻ khả năng diễn đạt một cách mạch lạc những suy nghĩ, ý tưởng của chúng về cuộc sống. Chính nhờ có thêm khoảng thời gian này mà tiết học sẽ có sức hấp dẫn nhất định, thúc đẩy, khuyến khích trẻ hoàn thành phần việc của mình nhanh nhất trong khả năng có thể với một tâm lý ganh đua lành mạnh.
   Cùng với việc tạo ra những cách thức chơi, khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo và được sáng tạo trong giờ dạy mỹ thuật, họ đưa vào đó cả nội dung của nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật truyền thống. Ở đây các tác phẩm không chỉ được giới thiệu để tham khảo mà còn được sử dụng làm một dụng cụ học thiết yếu. Ví dụ trong bài học về tính cân bằng, tác phẩm của nhà thiết kế người Pháp A.Calder đã được lấy ra làm hình mẫu. Ở đó trẻ được học cách thức tạo ra sự cân bằng động trong không gian. Từ những hình rất cơ bản là hình vuông, tròn, tam giác… chúng có thể tạo ra những mô hình chuyển động bằng các vật liệu là giấy, bìa cứng. Trên đó có thể cho trẻ tự do trang trí những hình ảnh mình muốn. Với phương pháp này ta đạt được hai mục đích: thứ nhất là tiếp thu di sản nghệ thật thế giới, và thứ hai là để trẻ nhìn nghệ thuật hiện đại với cái hiểu từ việc làm thực nghiệm. Như vậy, với những sáng tạo trong giảng dạy và việc đưa những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng cùng sự phân tích cụ thể (mà trên chỉ là một ví dụ) sẽ tạo nên những con đường rộng mở cho bộ môn trang trí không lâm vào nhàm chán.
    Hơn nữa, trong lúc làm việc cũng như tiếp xúc trực tiếp với nghệ thuật đương đại sẽ có một niềm tin lớn lao vào khả năng đánh giá và ứng xử với nghệ thuật và với những người cộng tác là bạn bè của chúng. Do đó nghệ thuật ở đây đã có một vai trò khác là tạo dựng cho trẻ một nhân cách trong ứng xử cộng đồng. Nhưng phương pháp vừa được nêu ra trên đây cũng có thể áp dụng vào các phần bài khác không chỉ riêng trang trí.
       Vấn đề ở đây là biến giáo dục nghệ thuật thành một nhu cầu của chính con trẻ. Dạy nghệ thuật không phải là đưa một công thức để làm, để vẽ mà điều cốt lõi quan trọng hơn là dạy lối tư duy. Phương pháp dạy nghệ thuật từ những câu chuyện luôn tạo ra những thú vị và những sự  bất ngờ. Đặt cho chúng ta những câu hỏi để chúng tự vận động tư duy của mình. Do vậy học nghệ thuật ở đây không chỉ thuần túy là học vẽ, mà còn sống lại những kiến thức, hiểu biết của học sinh về những bộ môn khác như lịch sử, đại lý, văn hóa, toán học, lý học… mà chúng ta đã được học những quan sát đơn giản hơn, những kinh nghiệm mà chúng ta có được trong cuộc sống hàng ngày. Từ những yếu tố này giáo viên  sẽ là người quyết định cho mọi sự kết nói, một sự liên hệ để hướng cho học sinh vào chủ đề mà chúng ta lựa chọn và đặt ra những phương án giải quyết khác nhau. Từ đó, chính học sinh sẽ lựa chọn cách giải quyết tốt nhất đối với tác phẩm của chúng, để nêu bật lên những ý tưởng của chúng về cuộc sống. Đây là một phương pháp có tính năng động cao. Các học sinh sau giờ mỹ thuật sẽ có một năng lực tự tin để diễn đạt một cách rành mạch về những suy nghĩ của bản thân, nhưng điều chúng cảm thấy và biểu hiện ra thông qua hoạt động nghệ thuật.
     Ngoài ra, để làm phong phú cho các đề tài cũng như phương pháp thể nghiệm nghệ thuật thì họ đã đưa thêm vào đó những phương pháp mới như các cách thức in ấn đơn giản khác nhau để trẻ thực hành. Điều đó có vẻ như là một việc làm quá sức, một vấn đề phức tạp đối với độ học sinh hiện nay, và nếu đưa vào ứng dụng ở Việt Nam thì sẽ là một điều không tưởng, bởi nghành đồ họa của nước ta còn chưa thực sự phát triển cao. Nhưng thực chất đây sẽ là một cách thức chơi mới cho bọn trẻ tự khám phá nghệ thuật và khám phá năng lực của bản thân. Đa phần cách thức in ấn này là tự làm bắng tay mà không phải nhờ đến máy móc ví dụ như phương pháp “Thủ ấn họa”. Họ để trẻ dùng tay nhúng màu để vẽ hoặc để in và biến việc học nghệ thuật thành một trò chơi thú vị như “nghịch cát”, để trẻ tự do sáng tạo mà không gò chúng vào một khuôn phép, một công thức lúc nào cũng phải tuân thủ. Hay với “Thuỷ ấn họa” cũng vậy, để sơn màu loang trên nước tạo thành nhiều hình thù khác nhau theo từng ý đồ biểu hiện của bọn trẻ. Sau đó dùng giấy áp lên tạo được một bề mặt nền rất thú vị. Ở phương pháp này trẻ em có thể tự do bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp. Cũng có thể dùng nó làm phông màu phức tạp để thể hiện tranh đề tài. Hoặc một cách thức khác nữa là dùng những vật trong thiên nhiên như lá cây làm dụng cụ in ấn. Như vậy vai trò của giáo dục mỹ thuật ở đây không chỉ là dạy chúng những kỹ thuật vẽ, cách nhận thức hình ảnh, mà còn là cách xử dụng chất liệu, cách cảm thụ nghệ thuật thông qua ngôn ngữ của màu sắc và hình thể. Đây là điểm mà các giáo trình dạy mỹ thuật của ta còn chưa thực sự quan tâm đến. Phần nhiều các sách hay chú trọng đến đo đạc, tỷ lệ mà ít khơi gợi lên ở chúng những hứng thú sáng tạo tự do. Một điểm quan trọng hơn mà không thể không nhắc đến là việc giáo dục ý thức trong khi thể nghiệm hội họa, họ luôn dạy trẻ phải biết tận dụng mọi thứ xung quanh mình. Từ mẩu giấy thừa, sáp thừa, trẻ sẽ tận dụng nó phục vụ cho mục đích của các hoạt động mang tính nghệ thuật.
     Một số phương pháp khác như gấp giấy để in màu, rồi từ những vết loang tự nhiên đó, với trí tưởng tượng, trẻ sẽ tự do thêm nét vào vào để có được những bức tranh hoàn chỉnh. Thậm trí ở cách làm này trẻ em có thể sáng tạo nên những tranh trừu tượng đơn giản từ cảm xúc của chúng trong khi xử lý chất liệu. Bài học này trong giáo trình của Philippin được đưa vào ngay từ quyển dành cho trẻ độ tuổi vỡ lòng và nó được coi trọng như một trong những bài học đầu tiên để trẻ làm quen với màu sắc và có khái niệm về vẽ. Ở trình độ cao hơn khi trẻ đã có được ý thức được việc bố cục sắp xếp trong một bức tranh  thì có những phương pháp mới như việc để thực hành trổ in giấy. Ở Việt Nam cũng có nhiều giáo viên họa đã có hướng dẫn cho trẻ vẽ từ thước có trổ sẵn hình hoặc kẻ chữ. Nhưng có một sự khác biệt là dùng những hình có sẵn đó để tạo ra những hình thức mới và luôn khuyến khích chúng tạo ra những dấu ấn riêng biệt từ một ngôn ngữ chung đó.
     Đặc thù của môn học mỹ thuật khác hoàn toàn với các môn học có tính công thức khác như toán học, hóa học,lý học, luôn cần đến sự chính xác, mỹ thuật là môn học mang nhiều tính cảm tính. Nó có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, cảm xúc và gần với việc giải trí của trẻ. Học vẽ cũng chình là một trò chơi, qua trò chơi để nhận thức thế giới, và sáng tạo nên thế giới, và để sáng tạo nên thế giới mới theo cách nhín của riêng chúng
 Trên đây chỉ là một vài ví dụ về phương pháp dạy vẽ, in nhưng cũng đủ để chúng ta thấy rằng những cách tiếp cận với nghệ thuật đã được đơn giản hóa rất nhiều để phù hợp với trình độ nhận thức và sáng tạo của học sinh. Theo tôi thì thì những phương pháp này hoàn toàn có khả năng ứng dụng trong điều kiện của Việt Nam hiện tại.
   Với những đề xuất trên có sự tham khảo rất nhiều từ các giáo trình mỹ thuật phổ thông mà đa phần các nước Châu Á tức những nước có sự tương đồng với Việt Nam về nhiều phương diện như văn hóa, kinh tế… Tất nhiên trong khuôn khổ của bài viết thì không thể nêu hết mọi phương pháp cũng như cách thức thực hành nghệ thuật một cách chi tiết mà vấn đề tôi muốn đưa ra ở đây là: Nên chăng giáo dục mỹ thuật ở bậc tiểu học và trung học cơ sở cần có những sự thay đổi? Hơn nữa sự thay đổi này hoàn toàn có tính khả thi. Đặc biệt khi hai năm trở lại đây, việc bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao cho các bộ môn họa, nhạc cho các trường phổ thông đã được Bộ văn hóa – Thông tin và bộ Giáo dục đào tạo đặt ra mục tiêu. Khoa sư phạm nghệ thuật đã được mở ở một số trường dại học như Đại học Mỹ thuật, Đại học Sư phạm Nhạc Họa…Như vậy, với đội ngũ giáo viên này thì việc đưa ra những cách tiếp cận mới không phải là quá khó. Việc tiếp cận những phương pháp mới có thể còn mang một lợi ích khác, trong tình trạng quá tải của giáo dục tiểu học hiện nay đang đặt ra một vấn đề bức xúc, thì môn mỹ thuật đầy chất sáng tạo này sẽ tạo cho trẻ em những khoảng thời gian thư giãn để phát triển nhân cách toàn diện./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét